Breaking News

Khách đến Đà Lạt loanh quanh dạo bộ rồi về ngủ, thiếu chỗ tiêu tiền về đêm?

Thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) có sự phát triển mạnh về du lịch, mỗi năm địa phương này đón hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước. Năm 2023, Đà Lạt đón 8,3 triệu lượt khách, trong đó 6,4 triệu lượt lưu trú.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, kinh tế đêm sẽ mang lại nguồn doanh thu lớn, góp phần tăng giá trị cho các sản phẩm du lịch, giữ chân du khách và đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, kinh tế đêm tại thành phố ngàn hoa chưa thực sự phát triển và như các chuyên gia nhận định, Đà Lạt còn thiếu “8 giờ vàng” (từ 22h hôm trước đến 6h hôm sau).

Trải nghiệm với… 50.000 đồng

Chợ đêm Đà Lạt, Khu Hòa Bình, Quảng trường Lâm Viên, bờ hồ Xuân Hương… là những địa điểm hàng đầu trong danh sách ghé thăm của du khách mỗi khi đến Đà Lạt. Tuy nhiên, ở những địa điểm này, các dịch vụ và sản phẩm du lịch chưa thực sự đa dạng để du khách lựa chọn.

Khách đến Đà Lạt loanh quanh dạo bộ rồi về ngủ, thiếu chỗ tiêu tiền về đêm? - 1

Chợ đêm là địa điểm hút khách du lịch bậc nhất ở thành phố Đà Lạt (Ảnh: Minh Hậu).

Chị Nguyễn Thu Hằng (36 tuổi, trú tỉnh Bình Dương) chia sẻ, khi con trai kết thúc năm học, gia đình quyết định thực hiện chuyến du lịch Đà Lạt.

“Đây là lần thứ 3 gia đình đến với thành phố và chúng tôi vẫn “trung thành” với chợ đêm, khu Hòa Bình. Cảm nhận của tôi là sau nhiều năm, các hoạt động ở đây vẫn chưa thay đổi nhiều”, chị Hằng nói.

Theo chị Hằng, Đà Lạt có không khí trong lành, mát mẻ. Về đêm, nhiệt độ chỉ ở mức 16-18 độ C, se lạnh nên bản thân chị và gia đình đi bộ qua các gian hàng và chọn trải nghiệm phố đêm với đồ ăn vặt, sữa đậu nành nóng.

Nữ du khách 36 tuổi thổ lộ: “Chưa có gì mới nên sau khi đi bộ mỏi chân, chúng tôi ghé gánh nướng (bếp than được tiểu thương gánh ra chợ) uống sữa đậu nành nóng rồi về ngủ. Chi phí trải nghiệm chợ đêm lần này chỉ khoảng 50.000 đồng”.

23h tại chợ đêm, anh Nguyễn Phước Thiện (trú TPHCM) cùng nhóm bạn kết thúc trải nghiệm và chuẩn bị về khách sạn nghỉ ngơi. Anh cho hay, bản thân muốn vui chơi nhiều hơn nhưng khu chợ đã vãn khách, các hàng quán rục rịch dọn dẹp, đóng cửa.

“Tôi chỉ mua vài món đồ lặt vặt để mang về làm quà cho người thân. Về khuya, khách thưa dần, hàng quán đóng cửa, ở lại cũng không có gì vui”, anh Thiện nói.

Khách đến Đà Lạt loanh quanh dạo bộ rồi về ngủ, thiếu chỗ tiêu tiền về đêm? - 2

Du khách mua sắm tại khu Chợ đêm Đà Lạt sau 21h (Ảnh: Minh Hậu).

Theo ghi nhận, khu chợ đêm Đà Lạt là địa điểm đông khách bậc nhất của thành phố mỗi đêm. Tại đây, các tiểu thương bắt đầu mở cửa đón khách từ 16h và thường kết thúc vào 22h-23h. Các quầy hàng chủ yếu đặc sản Đà Lạt, quần áo, giày dép. Đặc biệt gánh nướng, sữa đậu nành nóng… chiếm phần lớn không gian chợ.

Hoạt động, dịch vụ ở chợ đêm Đà Lạt còn đơn sơ và thời gian hoạt động không quá dài đã phần nào gây cảm giác hụt hẫng cho khách du lịch.

Nán lại trong phố khuya tĩnh lặng

Thời gian qua, để tăng sự trải nghiệm cho du khách, chính quyền thành phố Đà Lạt đã tổ chức tuyến phố đi bộ cuối tuần tại Khu Hòa Bình (cạnh chợ đêm Đà Lạt), phố Trần Quốc Toản (cạnh sân golf Đồi Cù).

Khách đến Đà Lạt loanh quanh dạo bộ rồi về ngủ, thiếu chỗ tiêu tiền về đêm? - 3

Chợ đêm Đà Lạt sau 21h với những quầy hàng đơn sơ (Ảnh: Minh Hậu).

Trong đó, phố đi bộ Trần Quốc Toản có chiều dài 1,6km được tổ chức vào các đêm thứ 6, thứ 7 và chủ nhật hàng tuần theo khung thời gian 18-22h. Phố đi bộ Khu Hòa Bình có chiều dài gần 1km được tổ chức vào các đêm thứ 7, chủ nhật hàng tuần với khung thời gian 19h-22h.

Tại các tuyến phố này, chính quyền thành phố tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, âm nhạc đường phố, quầy hàng lưu niệm, đặc sản địa phương.

Bà Đặng Thị Nga, tiểu thương tại khu Hòa Bình cho biết, thời gian phố đi bộ mở cửa là thời gian đông du khách và vui nhất. Phố chỉ mở vào cuối tuần với thời gian ngắn nên sau đó thành phố trở lại với sự vắng lặng.

Khách đến Đà Lạt loanh quanh dạo bộ rồi về ngủ, thiếu chỗ tiêu tiền về đêm? - 4

Du khách nán lại vui chơi trên Quảng trường Lâm Viên sau 0h (Ảnh: Minh Hậu).

“22h, phố đi bộ khu Hòa Bình đóng cửa, khách ra về, nhường không gian cho xe cộ. Đến 22h30, xe cộ cũng vắng dần và đến 0h chỉ lác đác người dọn dẹp hàng quán hoặc vài du khách tản bộ”, bà Nga nói.

Tương tự, sau 22h, phố đi bộ Trần Quốc Toản cũng trở về với không gian tĩnh lặng.

Chủ một doanh nghiệp sản xuất cà phê đặc sản Đà Lạt nêu kiến nghị: “Phố Trần Quốc Toản nằm giữa sân golf Đồi Cù và hồ Xuân Hương. Đây là phố lãng mạn bậc nhất của Đà Lạt, du khách rất thích trải nghiệm.

Tuy nhiên thời gian mở cửa có giới hạn và chỉ tập trung vào 3 đêm cuối tuần nên chưa thực sự mang lại hạnh phúc cho du khách. Tôi mong muốn thành phố triển khai tất cả các đêm trong tuần và tổ chức xuyên đêm”.

Ở Đà Lạt, Quảng trường Lâm Viên cũng là địa điểm hút người dân, du khách. Tại đây, người dân và du khách được tản bộ, vui chơi trong không gian rộng lớn. Tuy nhiên, khoảng 22-23h hàng ngày, hệ thống đèn chiếu sáng tại quảng trường ngưng hoạt động, nhường chỗ cho bóng đêm.

Ghi nhận của phóng viên, rạng sáng 12/6, các hoạt động giải trí tại trung tâm thương mại Go! Đà Lạt (dưới Quảng trường Lâm Viên) ngưng phục vụ. Thời gian này, nhiều du khách tập trung ở sân quảng trường tiếp tục vui chơi. Để đáp ứng nhu cầu của du khách, những người bán hàng rong đã chong đèn phục vụ món ăn vặt, sữa đậu nành nóng xuyên đêm.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, cho biết hoạt động dịch vụ, du lịch ở Đà Lạt thời gian qua đã giúp địa phương tăng doanh thu ngân sách. Hiện nay, địa phương tổ chức các tuyến phố đi bộ thí điểm ở khu trung tâm để tiến tới phát triển kinh tế đêm một cách khoa học.

Khách đến Đà Lạt loanh quanh dạo bộ rồi về ngủ, thiếu chỗ tiêu tiền về đêm? - 5

Du khách trải nghiệm chuyến tàu đêm Đà Lạt (Ảnh: Minh Hậu).

Bà Ngọc chia sẻ, những phản ánh của người dân về thời gian hoạt động, sản phẩm du lịch chưa đáp ứng tốt nhu cầu du khách là đúng và ngành du lịch Lâm Đồng nói chung, thành phố Đà Lạt nói riêng đã có sự tiếp thu để cải thiện, phát triển.

“Khách mang tiền đến và chi tiêu không như mong đợi đó là trăn trở của ngành du lịch, chính quyền địa phương”, bà Ngọc nói.

Theo nữ lãnh đạo, chợ đêm chỉ thuần về thương mại và mang ý nghĩa về bản sắc văn hóa trong khi kinh tế đêm phải bao quát nhiều yếu tố.

“Kinh tế đêm phải bao gồm hoạt động thương mại, dịch vụ giải trí, hoạt động nghệ thuật… Hiện nay, ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng đang phối hợp với thành phố Đà Lạt và các đơn vị để sớm đưa ra các hoạt động để phát triển kinh tế đêm”, bà Ngọc nói.

Kinh tế đêm Đà Lạt thiếu “8 giờ vàng”

Đầu tháng 6, UBND thành phố Đà Lạt phối hợp cùng Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Lâm Đồng tổ chức tọa đàm phát triển du lịch thành phố Đà Lạt. Tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo địa phương, đại diện các sở, ban, ngành cùng các chuyên gia, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

Tại đây, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp phát triển du lịch có ý kiến cho rằng, kinh tế đêm Đà Lạt đang thiếu “8 giờ vàng”, tức các hoạt động kinh tế đêm kéo dài từ 22h hôm trước đến 6h hôm sau.

Ông Duy Đoàn, đại diện Hiệp hội Công nghiệp nền tảng phân phối trực tuyến Hàn Quốc (KODPIA) tại Việt Nam đặt vấn đề: Nhiều chương trình nghệ thuật kết thúc vào 22h và sau thời gian này du khách sẽ đi đâu, sẽ làm gì?

“Đối với họ (khách du lịch) chuyện chi phí không phải vấn đề. Chúng ta đang thực sự không khai thác được “8 giờ vàng”, ông Duy Đoàn nói và cho biết thêm ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia đều có thành phố du lịch phát triển mạnh kinh tế đêm với dịch vụ ăn uống, buôn bán, vui chơi đến sáng hôm sau.

Nguồn: Sưu tầm

Không có nhận xét nào